3 thứ gia vị đỉnh nhất của người Thái ở Mộc Châu

Thứ sáu - 30/03/2018 04:01
Điều kiện cư trú trên núi cao cách trở cùng với cuộc sống cơ bản dựa vào núi rừng đã khiến mỗi dân tộc ở Tây Bắc có phương thức sinh sống riêng biệt, từ ngôn ngữ, phong tục tập quán, hoa văn thổ cẩm, kỹ thuật nông nghiệp cho tới cách chế biến món ăn. Những món ăn của người Tây Bắc ngon, lạ, đậm đà hương vị, nổi bật là nhờ những món gia vị độc đáo.

Du khách ăn món ăn ở Mộc Châu xong đều tấm tắc, sao mà ngon thế, sao ngon quá, làm thế nào. TÌm hiểu ra, ngoài thực phẩm ngon, người nấu giỏi, còn có bí quyết từ những loại gia vị chỉ Tây Bắc mới có.

1. Mắc khén Mộc Châu

Mắc khén là loại gia vị mà chỉ người Thái hay chế biến cho những bữa ăn của mình. Có người gọi mắc khén là hạt tiêu rừng và dễ có liên tưởng tới cây hồ tiêu dại mọc trong rừng. Không phải thế. Mắc (quả) khén là quả của cây khén, một loại cây thân gỗ lớn thuộc họ hồi có tinh dầu mọc trong rừng đại ngàn.

Cây khén ra hoa vào dịp cuối xuân và đậu quả thành những chùm nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu như những chùm hạt mùi già trong vườn mẹ để dành nấu nước cho ta tắm đêm tất niên. Đến cuối mùa hạ, người ta đi thu hái mắc khén bằng cách trèo lên cây hoặc dùng câu liêm với lên kéo những cành nhỏ có quả rơi xuống, buộc thành từng túm đem phơi nắng cho khô mang ra chợ bán hoặc gác trên gác bếp để dùng dần.

Khi dùng mắc khén, người ta bứt một nắm quả cho vào chiếc bát con. Hoặc phơi khô rồi xoa cho quả rời cành.Chọn lấy một viên than củi nồng đượm nhất đang cháy giữa bếp gắp bỏ vào bát và lắc đều tay để nướng mắc khén. Khi thấy mùi thơm bay lên ngào ngạt thì gắp viên than ra, khẽ thổi cho bay hết tàn than trong bát rồi dùng chuôi dao hay chày nhỏ giã cho hạt mắc khén thành bột để chế biến các đồ chấm và làm gia vị cho các món ăn.

Ngày nay, để tiết kiệm thời gian, có thể rang nóng trên chảo, sau đó cho vào máy xay sinh tố, xay thành bột mịn.

2. Hạt dổi

hơm hơn hẳn hạt tiêu, lại thêm vị cay cay,... chỉ cần cho vài hạt dổi rừng xay vụn khi ướp thịt để nướng hay pha nước chấm thì món ăn sẽ thơm ngon đặc biệt. Hạt dổi rừng vì thế có giá 2,5 triệu đồng/kg, thậm chí, giá dổi rừng cổ lên đến 4 triệu đồng/kg

Bà con Tây Bắc thường dùng hạt dổi làm gia vị chấm, gia vị ướp các món ăn đặc sản như: thịt bò khô, lợn khô, trâu gác bếp, các món nướng,...Hạt dổi được bà con nướng trên than, khi chín hạt sẽ nở căng ra, mùi thơm bốc lên ngào ngạt thì đem giã nát để nêm nếm các món ăn,

Dổi rừng có hai loại, trong đó, một loại cho hạt cứng và mùi hắc (gọi là dổi tẻ), loại này thường không ăn được; loại thứ hai là dổi nếp, hạt có mùi thơm hay được bà con vùng dân tộc dùng làm gia vị thay thế cho hạt tiêu và ớt.

3. Xổm pột

 Người Thái Tây Bắc còn có một loại gia vị nữa làm từ chùm xổm pột. Còn gọi là quả muối.

Xổm pột là cây thân gỗ xốp nhỏ, thường mọc trong rừng tái sinh. Quả xổm pột nhỏ và dẹt như hạt cà chua bám quanh cuống dài mọc thành chùm. Khi quả chín có một lớp bột dẻo như bột quả me chín bám bên ngoài và ngoài cùng là một lớp bột trắng như tinh muối. Xổm pột có vị vừa chua, vừa mặn, như ô mai. Người Thái sẽ gỡ xổm pột đem giã nhỏ, cho thêm một ít muối rồi cho vào ống tre để dùng dần làm gia vị mỗi khi nấu canh chua trong những ngày hè nóng nực hoặc làm thức chấm rất ngon.

Nhớ những gia vị miền Tây Bắc là nhớ cây, nhớ rừng. Chúng quyện vào hơi thở, vào cuộc sống nơi đây và trở thành bản sắc riêng của đồng bào miền Tây Bắc.

Tác giả: Đặc sản Mộc Châu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây